Thủ tướng dự lễ khánh thành nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, thúc đẩy tiến độ hai tuyến cao tốc
(Chinhphu.vn) – Chiều 16/7, tại tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư.
Cùng dự sự kiện có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn; Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), PVN.
Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 đặt tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, thuộc Trung tâm điện lực Sông Hậu.
Theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu gồm 2 tổ máy, tổng công suất 1.200 MW, tổng thầu EPC là Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại.
Nhà máy có tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 2 tỷ USD), khởi công tháng 5/2015, đã hoàn thiện thủ tục liên quan, được công nhận và đưa vào vận hành thương mại từ ngày 6/5/2022; đến nay đã phát điện, cung cấp cho hệ thống điện quốc gia trên 2 tỷ kWh (bao gồm cả sản lượng điện trong giai đoạn chạy thử nghiệm thu). Nhà máy sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,3 tỷ kWh/năm, góp phần đáp ứng nhu cầu của phụ tải của khu vực Tây Nam Bộ và cả nước.
Mặc dù dự án được triển khai trong bối cảnh gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là do đại dịch COVID-19, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương, chủ đầu tư, tổng thầu, các nhà thầu phụ và tập thể cán bộ, người lao động trực tiếp trên công trường đã từng bước vượt qua khó khăn để thi công, hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình theo thiết kế.
Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 hoàn thành bảo đảm chất lượng và an toàn là tiền đề quan trọng cho việc triển khai các dự án điện tiếp theo của PVN cũng như chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, trong đó có lĩnh vực điện. Ngoài ra, là cơ sở quan trọng để đánh dấu sự thành công vượt bậc của các nhà thầu Việt Nam trong việc phát huy nội lực, đảm đương tổng thầu cho các nhà máy điện có quy mô công suất lớn.
PVN cam kết vận hành nhà máy an toàn, ổn định và hiệu quả; tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc huy động tối ưu sản lượng điện sản xuất của nhà máy và với chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn, phối hợp thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và bảo đảm môi trường cho người dân trong vùng dự án.
Hiện tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện của PVN là 5.405 MW, chiếm hơn 7% tổng công suất lắp đặt và chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống điện quốc gia. Kết quả này khẳng định vững chắc vai trò và vị thế của PVN với tư cách là nhà sản xuất điện lớn thứ 2 tại Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động của PVN, tổng thầu đã tham gia thi công trực tiếp trên công trường, bảo đảm tiến độ, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và bảo vệ môi trường. Cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hậu Giang và đồng bào trong khu vực dự án đã tích cực ủng hộ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho PVN trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy.
Thủ tướng đánh giá sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, tranh chấp pháp lý và giá thành, việc đưa vào hoạt động nhà máy góp phần bảo đảm an ninh năng lượng – một trong những cân đối lớn của nền kinh tế trong bối cảnh có nhiều khó khăn hiện nay; góp phần thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước và tỉnh Hậu Giang theo hướng công nghiệp hóa.
Doanh thu hằng năm của nhà máy dự kiến khoảng 15-20 nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng vào tổng doanh thu của Tập đoàn và đóng góp đáng kể cho khoản thu ngân sách của Trung ương và địa phương.
Chủ đầu tư và tổng thầu đều là các pháp nhân Việt Nam. Quá trình thi công đã giúp tiết kiệm 500 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt. Qua đây, các bộ, ngành, cơ quan, các doanh nghiệp, đội ngũ nhân lực Việt Nam cũng trưởng thành hơn. Nhà máy cũng sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Để hoàn thành Nhà máy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua các thời kỳ đã bám sát tình hình, cùng các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến hành thí điểm một số cơ chế, chính sách cho dự án.
Về các kinh nghiệm rút ra từ dự án, Thủ tướng nhắc lại tầm quan trọng của việc xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao, trong đó có các ngành công nghiệp nền tảng và phát triển nền công nghiệp chuyển đổi năng lượng. Qua việc triển khai dự án, chúng ta ngày càng yên tâm giao các nhiệm vụ lớn cho các tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực, cố gắng hết mình.
Thực tiễn triển khai dự án cũng cho thấy dù nhiệm vụ khó khăn đến mấy, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước (về xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện), sự đoàn kết thống nhất, quyết liệt của các cấp lãnh đạo, sự ủng hộ của nhân dân, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, nếu chúng ta giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, kiên trì, kiên định, kiên quyết, chủ động, sáng tạo, thì nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua.
Thời gian qua, các cấp có thẩm quyền đã quyết liệt chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém, kéo dài, đưa vào hoạt động Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1. Thời gian tới, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ quan, doanh nghiệp liên quan cần tiếp tục xử lý dự án nhiệt điện Long Phú 1 (tỉnh Sóc Trăng), chuỗi dự án lô B và nhiệt điện Ô Môn (Cần Thơ) theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc làm việc gần đây.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch sử dụng điện thông minh, vận hành an toàn, ổn định, có hiệu quả Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1. Tỉnh Hậu Giang cập nhật, điều chỉnh lại quy hoạch liên quan với kế hoạch, quy hoạch phát triển hợp lý, hiệu quả, kết hợp với tiềm năng lợi thế của mình, phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, người dân phải được hưởng lợi từ hoạt động của dự án.
Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, chúng ta đã quan tâm bố trí nhiều nguồn vốn cho phát triển ngành điện cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, đến nay hệ thống điện quốc gia đã bảo đảm cung cấp đủ điện đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước với chất lượng và độ tin cậy ngày càng cao. Hiện nay, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam đã đạt trên 76.000 MW, là một trong những nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc quy hoạch và phát triển các dự án điện phải theo hướng công khai, minh bạch, khoa học trên cả 5 yếu tố (nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện, giá điện), xem xét tổng thể, toàn diện, bố trí các dự án nguồn điện phù hợp với đặc điểm riêng của từng vùng, miền, địa phương, vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân.
Cũng trong chiều nay, Thủ tướng đã đến khảo sát nút giao giữa 2 dự án cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang là cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, nghe báo cáo về hướng tuyến, tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí các nút giao.
Thủ tướng yêu cầu khâu giải phóng mặt bằng phải đi trước 1 bước, song song với việc chuẩn bị kỹ lưỡng các thủ tục lựa chọn nhà thầu và quy hoạch, sẵn sàng các mỏ vật liệu.
Trước đó, ngày 20/6 vừa qua, từ máy bay trực thăng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát hướng tuyến 2 cao tốc này.
Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, có tổng chiều dài 109 km. Tuyến này đi qua 5 địa bàn là TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.
Tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe hạn chế, dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2025. Trong đó, đoạn Cần Thơ – Hậu Giang có chiều dài hơn 36 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.769 tỷ đồng, đoạn Hậu Giang – Cà Mau có chiều dài hơn 72 km, tổng mức đầu tư khoảng 17.485 tỷ đồng.
Còn Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Dự án dài 188,2 km có tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, chia thành 4 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Dự án đi qua các tỉnh/thành phố Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng.
Dự án được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027.
Các dự án này được xây dựng nhằm hình thành, kết nối các trục ngang, trục dọc của vùng ĐBSCL, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng ĐBSCL và các địa phương, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo Hà Văn (baochinhphu.vn)